Lạm thu quỹ phụ huynh: Chẩn bệnh thế nào?
VHO- Có những khoản thu quỹ phụ huynh lên tới hàng tỉ đồng là vấn đề gây sốc vào những ngày đầu năm học này.
Nhiều khoản chi quỹ lớp sai quy định, không thiết thực hỗ trợ việc học tập của học sinh Ảnh minh họa
Dù Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chống lạm thu, thu sai, nhưng việc “xưa như Diễm” này vẫn diễn ra và mức độ xử lý chỉ mới dừng lại ở phê bình, nhắc nhở. Một số trường hợp yêu cầu trường trả lại tiền cho phụ huynh nhưng không xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Có lẽ, chế tài chưa nghiêm khắc là lý do chính khiến các hiệu trưởng lơ là, bỏ qua, thậm chí gợi ý, khích lệ cho việc làm trái quy định này…
Quỹ tiền tỉ, nội dung chi quà cho giáo viên nhiều nhất
Một bảng kê chi tiết về thu chi quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) gây sốc khi chỉ riêng số tiền thu trong học kỳ 1 đã là 2,5 tỉ đồng. Nhiều nội dung chi quá “khủng” như: Hoạt động thăm hỏi, việc hiếu là 60 triệu; Hỗ trợ tổ chức kỷ niệm ngày 20.10 là 200 triệu; Tri ân thầy cô nhân 20.11 là 750 triệu; Mừng thầy cô đầu năm dương lịch là 100 triệu… Đây là trường ngoài công lập, vốn thu học phí và các khoản tiền phục vụ học tập của học sinh rất cao.
Trường THCS Lê Quý Đôn TP.HCM mới đây cũng lộ thông tin quỹ phụ huynh một số lớp là 165 triệu và 270 triệu đồng với hàng chục khoản chi khác nhau, nhiều khoản chi sai quy định, không thiết thực hỗ trợ việc học tập của học sinh như chi cho các cuộc liên hoan, chụp hình; quà cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vào các dịp lễ, tết. Tương tự, tại Hải Phòng, một trường mẫu giáo ở quận Hồng Bàng thu quỹ phụ huynh từ 1,5-1,8 triệu đồng với kế hoạch chi cho nhiều nội dung không rõ ràng và sai quy định.
Theo một vị phụ huynh có hai con học tiểu học và THCS tại Hà Nội, mức thu quỹ phụ huynh từ 1,5-2 triệu, thậm chí 2,5 triệu/người hiện giờ là… bình thường, vì mỗi học kỳ có hàng chục khoản chi. “Rất nhiều hoạt động phong trào, trong đó có những hoạt động không thật sự cần thiết, lớp này nhìn lớp kia để chi… hoành tráng hơn. Ngoài hoạt động của học sinh còn hoạt động từ thiện của trường, hỗ trợ các sự kiện trong địa bàn nơi trường cư trú. Khoản dành cho việc tri ân cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhân các dịp lễ tết là khoản chi nhiều nhất của quỹ, ngoài ra, phụ huynh cũng phải tự đóng góp thêm bên ngoài”, vị này cho biết và kể thêm, có năm trường gợi ý một vài nội dung cần quyên góp, chẳng hạn như thời tiết quá nóng cần bổ sung quạt, điều hòa, rèm che nắng, rồi thiết bị âm thanh phục vụ việc giảng bài bị hỏng, máy chiếu quá cũ cần mua mới… tất cả những thứ phát sinh đó, nếu không “bổ đầu” phụ huynh thì không có nguồn nào chi.
Thiếu giải pháp kiên quyết
Thông tư 55/2011/TT-BGD ĐT vẫn còn hiệu lực, quy định rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp hoạt động của Ban như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường; tiền trông coi phương tiện giao thông của học sinh; tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác…
Thông tư 16/2018/TT-BGD ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức trong việc vận động tài trợ của các nhà trường. Trong đó nêu rõ việc quyên góp, tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức bình quân hay mức tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Thông tư này cũng yêu cầu cơ sở khi vận động tài trợ phải công bố, niêm yết công khai, minh bạch trong quá trình vận động tài trợ, sử dụng nguồn kinh phí, kết quả thực hiện đúng mục đích…
Mới đây, khi trả lời chất vấn của cử tri về loạn chi quỹ phụ huynh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang nghiên cứu sửa thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, dựa trên những quy định hiện hành, nếu làm nghiêm thì vấn đề lạm thu đã không xảy ra. Thông tư 55 cũng quy định ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm trong việc hội phụ huynh thu quỹ, chi quỹ. Có nghĩa nhà trường không hề vô can, đứng ngoài hoặc cố tình “mượn tay” phụ huynh để vô can trong việc lạm thu. Chỉ có điều văn bản ban hành xong, không có sự kiểm tra, xử lý, chế tài nghiêm khắc nên tình trạng lạm thu ngày càng… loạn. Nếu chỉ thay thông tư này bằng thông tư kia, quy định này bằng quy định kia nhưng vẫn theo nếp cũ ban hành rồi bỏ đó thì tình trạng trên chắc chắn không thể được giải quyết.
Đáng nói là khi có sự việc xảy ra, mỗi nhà trường, mỗi địa phương lại có cách xử lý khác nhau. Cụ thể, Hà Nội vẫn đang làm ngơ mặc cho trường Lương Thế Vinh thu sai, trường thì đổ lỗi cho Ban phụ huynh, không liên quan gì đến lãnh đạo nhà trường. Trong khi đó, Hà Nội vừa có văn bản chấn chỉnh lạm thu, quy định trường thu sai xử lý hiệu trưởng, nhưng tới giờ vẫn chưa có hiệu trưởng nào bị xử lý như văn bản nêu. Trong khi đó tại Hải Phòng, TP.HCM, cơ quan quản lý đã làm việc, yêu cầu hoàn trả tiền thu trái quy định.
Quy định một đằng, thực thi một nẻo dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”, ngày càng khó xử lý.
KỲ THANH